Chiến dịch phản công của quân nhà Nguyễn trên đất Cao Miên năm 1845 Chiến_tranh_Việt–Xiêm_(1841-1845)

Sau đó, cũng theo Việt Nam sử lược, thì ở Chân Lạp, quân Xiêm La lại giở trò tàn bạo, khiến người Chân Lạp không phục, lại nổi lên và cử người sang cầu cứu quân đội Việt. Vua Thiệu Trị bèn sai Võ Văn Giải sang kinh lý việc Chân Lạp. Tháng 6 năm Ất Tỵ (1845), Võ Văn Giải vào đến Gia Định, cùng với Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị, tiến binh sang đánh Chân Lạp, phá được đồn Dây Sắt, lấy lại thành Nam Vang, người Chân Lạp và Xiêm về hàng kể hơn 23.000 người. Tiếp theo, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem binh truy đuổi liên quân Xiêm La - Chân Lạp, vây vua Nặc Ông Đôn và tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin) ở Ô Đông (Oudon).

Kế hoạch

Tháng 6 âm lịch năm Ất Tỵ (1845), (Tháng 6-9 âm lịch ở hạ lưu sông Mê Kông vùng thuộc Campuchia và Việt Nam thường đang vào mùa nước nổi (lũ)), kế hoạch ban đầu của vua Thiệu Trị:

  • Cử Võ Văn Giải (hậu quân đô thống kiêm Tổng đốc Định Biên), Tôn Thất Bạch (Thượng thư Bộ Binh) làm Khâm sai đại thần kinh lý Nam Kỳ trù tính việc Trấn Tây.[12]
  • Lấy các đạo binh thuộc quân thứ An Giang, Định Tường (Đồng Tháp, Long An), Gia Định (Long An, Tây Ninh) chia làm 3 đường tiến sang đất Cao Miên từ các đồn: Tân Châu (thuộc An Giang), Thông Bình (thuộc Định Tường), và Tây Ninh (thuộc Gia Định). Tướng lĩnh đứng đầu 3 đạo binh là các quan hàng tỉnh của An Giang, Định Tường và Gia Định.
  • Đạo binh Tân Châu ban đầu định do Tổng đốc An Hà Nguyễn Văn Chương (Tri Phương) chỉ huy, nhưng sau thay đổi kế hoạch do Nguyễn Văn Hoàng (đề đốc An Giang) nắm, theo đường thủy lớn sông Tiền Giang (tức Tonlé Bassac Thượng) tiến tới đánh đồn Ba Nam (đồn trọng yếu trên sông Me Kong (Tiền Giang), nay là Phumi Ba Nam thuộc thị trấn Neak Loeang huyện Peam Ro tỉnh Prey Veng). Đồn Ba Nam nằm kẹp giữa sông Tiền (Bassac Thượng) và sông Ba Nam (Prek Banam), một phân lưu của Bassac Thượng chảy từ ngã ba Ba My (tức Trà Mạt) song song với sông Bassac Thượng về tới sông Sở Thượng trên biên giới Việt-Miên.
  • Đạo binh Thông Bình do Doãn Uẩn (tuần phủ An Giang) chỉ huy, theo đường sông nhánh (sông Prek Trabeak, nhà Nguyễn gọi là sông Tam Ly[13] với đoạn cuối theo hướng bắc-nam từ điểm nối với sông Vàm Dừa (tức rạch Cái Cỏ, hay Prek Kompong Snay) đến điểm gặp sông Sở Hạ (Prek Krom, hay rạch Lợi Ban), làm thành đoạn biên phía tây của Thông Bình với Campuchia vào thời nhà Nguyễn được tính là đoạn đầu của sông Vàm Dừa (Cái Cỏ) chảy dọc biên giới Việt Miên. Sông Prek Trabeak là nhánh của sông Tiền chảy qua phủ lỵ Ba Nam (Ba Phnum) và đồn Thông Bình) tiến vào suốt trong lòng phủ Nam Ninh (tức là phủ Ba Nam (mới đổi trước đó), xem bài Hành chính Việt Nam thời Nguyễn), rồi hợp quân với đạo Tiền Giang (tức đạo binh Tân Châu).[14]
  • Đạo binh thứ 3, dự kiến tiến sang Cao Miên từ phủ Tây Ninh tỉnh Gia Định, do các quan tỉnh này là Nguyễn Công NhànCao Hữu Dực chỉ huy. Tuy nhiên đạo này không tiến binh ngay, mà phải tới tháng 8 âm lịch (1845), khi 2 đạo trên đã bình định xong phủ Nam Ninh, thì đạo này (do Công Nhàn lĩnh, Hữu Dực ở lại Tây Ninh) mới tiến sang Cao Miên hợp quân đánh đồn Thiết Thằng.

Diễn biến

Các địa danh Nam Kỳ và Cao Miên (Trấn Tây) gọi theo cách gọi của người Việt: Thông Bình (Thong bigne F), Phù Nam (Phou-Nam), Nam Ninh (Nam-nigne), Lô An (Lou-an), La Kiết (La-Kiet), Tầm Vu (Tam-vou), Nam Vang (Nora-Vang), Kỳ Tô (Ki-to).

Tháng 6 âm, Doãn Uẩn cùng lãnh binh Định Tường là Nguyễn Sáng đem quân từ đồn Thông Bình (nay thuộc xã Thông Bình huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp) tiến sang Cao Miên qua ngả huyện Nam Thịnh (tức phủ Ba Nam cũ) thuộc phủ Nam Ninh (theo đường sông nhánh của sông Tiền Giang và dọc quốc lộ 1 (Campuchia) ngày nay), hạ ngay được hai đồn Thị Đam[14] (nay khoảng xã Cheang Daek huyện Kampong Trabaek), Vịnh Bích (khoảng thị trấn Kampong Trabaek huyện Kampong Trabaek tỉnh Prey Veng). Sau đó, Doãn Uẩn tiến tới đóng ở Gò Bắc (nay khoảng các xã Kansoam Ak, Kou Khchak huyện Kampong Trabaek hay làng (phum) Beng Pasré huyện Ba Phnum), phía trước là xứ Kha Đốc (khoảng làng Beng Pasré hay xã Sdau Kaong huyện Ba Phnum) có đồn Kha Đốc do các tướng của liên quân Xiêm-Lạp tên là Bang và Mạt trấn giữ. Quân Xiêm-Lạp từ đồn Kha Đốc phía thượng lưu (sông nhánh) theo dọc sông tiến xuống bắn bị thương viên vệ úy Trần Tri. Uẩn và Sáng thúc quân đánh phản công, quân Xiêm-Lạp bỏ đồn Kha Đốc rút chạy, quân nhà Nguyễn chiếm được đồn Kha Đốc.

Đồng thời với Doãn Uẩn, Nguyễn Văn Hoàng cũng từ đồn Tân Châu (nay thuộc Tân Châu An Giang) tiến đến Tầm Bôn (thuộc huyện Phù Nam phủ Nam Ninh Trấn Tây, nay là khoảng xã Preaek Sambuor thuộc huyện Peam Chor tỉnh Prey Veng), quân Xiêm Lạp xuôi theo sông Tiền bắn ra, Hoàng cùng Hồ Đức Tú (lãnh binh An Giang) và Lê Đình Lý (phó lãnh binh Vĩnh Long), tiến đánh thu được Tàm Bôn và ngược dòng sông Tiền tiến về đồn Ba Nam (phumi Ba Nam). Nguyễn Văn Hoàng tiến quân hạ được đồn Ba Nam (Phumi Ba Nam, ở Neak Loeang trên ngã tư giao cắt giữa Quốc lộ số 1 (Campuchia) với sông Tiền Giang), Nguyễn Văn Hoàng liền chiêu an vỗ về dân chúng Cao Miên, và thám sát biết được rằng: quân Xiêm-Lạp do các tướng Cao La Hâm (tiếng Thái: สมุห กลาโหม, S̄muh̄ klāh̄om, Samuha Kalahom, Bộ trưởng bộ Quốc phòng[15]), Mộc Xá Na Lăng nắm, đã xây dựng ở phía thượng lưu sông Tiền Giang một phòng tuyến quanh đồn Thiết Thằng[16] (dọc bờ sông và chặn ngang sông tại đồn Thiết Thằng) án ngữ trên bờ sông Tiền chặn đường tiến tới Nam Vang. Hoàng sai Hồ Đức Tú đánh hạ được đồn ngoài rìa (phía hạ lưu Thiết Thằng) của phòng tuyến trên sông này. (Phòng tuyến Thiết Thằng (tiếng Khmer:បន្ទាយ ដែក, Banteay Daek) nằm khoảng 2 bờ sông Tiền Giang (Mê Kông) nay thuộc khoảng 2 huyện Kien Svay hay Lvea Aem tỉnh Kandal).

Ngày 14 tháng 6 âm năm Ất Tỵ (tức 18 tháng 7 năm 1845[17]), Doãn Uẩn tiến đánh đồn Sách Sô (nay là Phumi Khsach Sa thuộc khoảng các xã Roung Damrei, Reaks Chey huyện Ba Phnum) ở chi lưu sông Sách Sô (sông Preaek Say Sos, nối với sông Preaek Banam ở xã Banlich Prasat). Quân Cao Miên ở chi lưu sông Sách Sô (vùng Sách Sô thuộc huyện Nam Thịnh phủ Nam Ninh Trấn Tây[18]) kết bè mảng trên sông, đào hầm hố dựng lũy để chống quân nhà Nguyễn. Cánh quân của Doãn Uẩn đang đánh đồn Sách Sô, liền đến đóng đồn ở Bang Chích (khoảng xã Banlich Prasat huyện Peam Ro tỉnh Prey Veng ngày nay), rồi sai các phó cơ Nguyễn Khoa, Nguyễn Hữu Mỹ đem 400 quân hội với đạo quân ở sông Tiền Giang của Nguyễn Văn Hoàng.[19] Theo Ngoại Lãng tướng công niên biểu của Doãn Uẩn: "Ngày 14 tháng 6, công phá đầm lũy giặc ở Sách Sô...(Sách Sô tức là thượng du của phủ Nam Ninh, phía trước có đầm lớn, đảng giặc đã đắp lũy từ trước ở ven đầm, hai lớp trong ngoài dài hơn ngàn trượng. Tất chúng tử thủ. Ta chia binh làm hai đạo: lãnh binh binh Hồ Đức Tú và phó lãnh binh Lê Đình Lý cầm một ngàn binh từ phủ Tẩu Đà tiến vào, ta cùng lãnh binh Nguyễn Sáng dẫn hơn ngàn quân từ Ích Đà tiến vào. Bọn giặc dựa vào lũy đông như kiến, bắn ra. Ta thân đốc hai đạo quan binh oanh kích bằng pháo lớn. Ai nấy dũng cảm hăng hái,lên trước bạt lũy, đâm chết nhiều tên. Đảng giặc tan vỡ, vào rừng chống giữ. Quan binh liền đóng đồn trấn giữ ở Sách Sô."

Trong lúc đó, quân Xiêm La-Cao Miên lại vòng xuống quấy rối các đồn Vịnh Bích, Kha Đốc. Doãn Uẩn sai Trần Tri và Trương Lý đem quân chống giữ, rồi gửi thư xin viện binh cho Nguyễn Tri Phương. Đồng thời Uẩn tiến quân tới ngã ba sông Trà Mạt (còn gọi là ngã ba Ba Mi[20], nay khoảng phía nam xã Peam Mean Chey huyện Peam Ro), để hội quân với Nguyễn Văn Hoàng. Hoàng điều Hồ Đức Tú, Lê Đình Lý cùng 1000 quân theo Doãn Uẩn, còn mình lại về đánh mặt đồn Ba Nam. Hôm sau, Doãn Uẩn chia quân làm hai đạo tiến đánh Sách Sô: Doãn Uẩn, Nguyễn Sáng đánh mặt phải, mặt trái là Hồ Đức Tú và Lê Đình Lý. Hồ Đức Tú thúc quân lên bờ đánh thành, Doãn Uẩn kéo quân lội qua sông, ra mặt trước thành, bắn giết được một tướng Xiêm và hơn trăm quân đối phương. Lê Đình Lý bắn chết một tướng Xiêm. Cánh hữu, Nguyễn Sáng bắn trúng 10 quân Cao Miên và 20 quân Xiêm La. Hạ được đồn Sách Sô, Doãn Uẩn cho Hồ Đức Tú về đồn Ba Nam, và định rút quân ở 5 đồn Thị Đam (Cheang Daek), Vịnh Bích (Kampong Trabaek), Gò Bắc (Kansoam Ak), Kha Đốc (Sdau Kaong), và Bang Chích (Banlich Prasat) về tập trung đồn Sách Sô (Phumi Khsach Sa) để binh lực thêm hùng hậu, nên gửi thư về cho Nguyễn Tri Phương. Tri Phương không nhất trí, đưa thư đáp rằng nên tạm để quân tại các đồn đó để canh phòng.

Ở Nam Kỳ, Võ Văn Giải (hậu quân đô thống) và Tôn Thất Bạch (binh bộ thượng thư) đến An Giang, phân cho Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Nghị đem thuyền chở quân đến quân thứ Ba Nam, tăng cường cho Doãn Uẩn và Nguyễn Văn Hoàng. Khi Tri Phương chưa tới, ngày 26 tháng 6 âm, 5000 quân Xiêm Lạp đến vây đạo quân của Doãn Uẩn ở đồn Sách Sô. Doãn Uẩn sai Lê Viên (quản cơ), Hồ Đức Tú, Nguyễn Sáng, đem binh chống giữ, bắn giết được tướng Xiêm, làm quân Xiêm Lạp tan vỡ.

Được tin thắng trận, vua Thiệu Trị khen ngợi các tướng sĩ hai đạo binh Doãn Uẩn, Nguyễn Văn Hoàng, đồng thời dụ Vũ Văn Giải, Tôn Thất Bạch rằng: cần đốc thúc 2 đao quân tiến nhanh tới hạ thành Nam Vang, và yêu cầu đạo binh thứ 3 theo kế hoạch ban đầu ở Tây Ninh dưới quyền Nguyễn Công Nhàn và Cao Hữu Dực, lúc đó vẫn chưa tiến sang Cao Miên, phải tiến sang Ba Nam hội quân.

Tháng 7 âm, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Nghị cùng viện binh đến được Ba Nam. Nguyễn Tri Phương sai quân chiêu dụ dân chúng Cao Miên, nhưng dân bị quân của Ang Duong kiềm tỏa không chịu theo ra. Thượng lưu dọc sông Tiền thuộc Ba Nam, quân Xiêm lập đồn lũychạy ngang đến Thiết Thằng (quân Xiêm dùng xích sắt chắn ngang sông), bảo vệ Nam Vang. Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn và Nguyễn Văn Hoàng muốn nhanh chia đường tiến đánh Thiết Thằng, nhưng Võ Văn Giải, Tôn Thất Bạch cho rằng chưa nên đánh vì quân chưa hội đủ, dân Miên theo về chưa nhiều. Quan quân tâu về triều, vua dụ rằng cần phải tốc chiến tốc thắng (chỉ dụ của vua đến quân thứ ngày 22 tháng 7 âm). Trong khi đó, quân Xiêm lại quấy nhiễu đồn Sách Sô, Nguyễn Văn Chương (Tri Phương) và Doãn Uẩn dẫn 1000 quân ra đánh dẹp, quân Xiêm thua chạy.[21]

Ngày 6 tháng 8 âm[22] (7 tháng 9 năm 1845), tại quân thứ Ba Nam, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn chia đường tiến đánh Thiết Thằng (đồn sắt, បន្ទាយ ដែក, Banteay Daek): Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Nghị dẫn 3000 quân, Doãn Uẩn và Nguyễn Văn Hoàng đem 2000 quân, 2 đạo đều tiến theo đường thủy sông Tiền Giang (Mê Kông) và có thổ dân Cao Miên dẫn đường. Quân Xiêm-Lạp hai bên bờ bắn ra đánh chặn, 2 đạo quân nhà Nguyễn hợp lại đồng loạt tấn công. Các tướng lĩnh Hồ Đức Tú, Lê Đình Lý, Hồ Hậu, Nguyễn Công Nhàn đều hăng hái lập công. Quân Việt tiêu diệt được 1 đại tướng của Xiêm cùng 600 quân Xiêm-Lạp (gồm cả người Xiêm, người Miên, người Lào, người Hoa), và thu được rất nhiều thuyền bè súng ống. Quân Việt chết một tướng là Trương Lý. Quân Xiêm của Chất Tri thua chạy bỏ đồn lũy rút về Nam Vang. Nhân đà thắng, quân Việt tiến thẳng đến Nam Vang, mất phòng tuyến Thiết Thằng (ngày 12 tháng 8 âm[22] tức 11 tháng 9 năm 1845), đại quân Xiêm-Lạp của Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) và Nặc Ông Đôn (tức Ông Giun, Ang Duong) rút lui khỏi Nam Vang vào ban đêm, chạy về phía Oudong cố thủ.[23] Doãn Uẩn nói về đồn Thiết Thằng như sau: "Năm Thiệu Trị thứ nhất,... Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) và Nặc Ông Đôn (tức Ông Giun, Ang Duong) chiếm Trấn Tây đã phá thành cũ, xây thành mới bằng gạch ở thượng lưu dài hơn trăn trượng. Lại đặt đồn lũy ở hai bên sông hạ lưu Sa An của Hậu Giang và Hách Chử của Tiền Giang, mà đồn Tiền Giang là kiên cố nhất, tả hữu đắp liền ba đồn, rào lũy dày đặc, đắp núi đất cao lên, bố trí nhiều hồng y đại pháo,lại làm khóa sắt ngang sông, tự coi là thế hiểm kiếm các, kiên cố không thể phá vỡ, cho nên gọi là Thiết Lũy, còn gọi là đồn Thiết Thằng."

Thu được thành Nam Vang (Phnom Penh), vua Thiệu Trị khen thưởng và thăng chức cho tướng sĩ quân Việt đánh Xiêm-Lạp, Nguyễn Văn Chương được thăng Hiệp biện đại học sĩ, Doãn Uẩn được thăng quyền thượng thư bộ Binh, các tướng bên dưới đều được thăng cấp và khen thưởng. Vua dụ Nguyễn Văn Chương (Tri Phương) và Doãn Uẩn đem quân tiến gấp tới bến Vĩnh Long (Kampong Luong, trên bờ sông Tonlé Sap, nay là xã Kampong Luong huyện Ponhea Leu tỉnh Kandal) truy kích quân Xiêm-Lạp. Vua sai Vũ Văn Giải, Tôn Thất Bạch, Nguyễn Văn Hoàng đi chiêu an dân chúng, ổn định đất Trấn Tây mới lấy lại. Vua điều binh từ Nam Kỳ tăng cường cho Trấn Tây, lấy quân từ các tỉnh Trung Kỳ kể từ kinh đô Huế trở vào bổ sung cho Nam Kỳ. Vũ Văn Giải (cuối tháng 8 đến được Trấn Tây) tâu xin tạm lập Nặc Ong Bướm (tức Ang Bhim, con của Ong Yêm (tức Ang Im, hay Ang Em)) lên ngôi vương, nhưng Thiệu Trị chưa thuận[24], vì đang cân nhắc giữa Bướm và Ngọc Vân (Ang Mey) con gái của vua Ông Chân (Ang Chan II). Dân Cao Miên về theo nhà Nguyễn khoảng 23000 người, các tướng người Cao Miên là Ốc Nha Sô Phì và Lịch Bồn Nha Trắc cũng kéo quân Miên ra hàng.

Tháng 9 âm năm 1845, Võ Văn Giải, Tôn Thất Bạch báo cáo cho Thiệu Trị về tình hình Trấn Tây rằng: hoàng thân Cao Miên là Ông Giun (Ang Duong) và tướng Xiêm là Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) lúc đó đang tụ tập tại vùng Vĩnh Long (Kampong Luong) và đô thành Oudong. Quân nhà Nguyễn do Nguyễn Văn Chương (Tri Phương), Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị đang ngược theo đường sông Tonlé Sap tiến về phía bến Vĩnh Long truy kích quân Xiêm-Lạp. Còn Giải cùng Bạch và Hoàng ở lại Nam Vang ổn định tình hình. Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn tiến đánh đến bến Vĩnh Long, quân Xiêm hai bên bờ sông bắn ra ác liệt, quân Việt không thể tiến lên bờ được. Thiệu Trị liền lệnh cho Võ Văn Giải mang quân từ Nam Vang lên tăng cường đánh Oudong (để Bạch và Hoàng ở lại Nam Vang).

Vũ Văn Giải chưa tới nơi, thì Tri Phương đã cùng Hồ Đức Tú, Nguyễn Công Nhàn bỏ thuyền lên bộ, còn để lại Doãn Uẩn giữ thủy trại và đánh yểm hộ. Quân Xiêm bi vỡ trận, thua chạy rút về giữ thành Ô Đông (tức Oudong), ở phía Tây Nam bến Vĩnh Long. Thiệu Trị dụ quân tướng Việt ở Trấn Tây rằng cần phải bao vây quân Xiêm-Lạp tại Oudong (Oudong Meanchey), không cho quân Xiêm của Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) rút về Bắc Tầm Bôn (tức Battambang), để rồi tiêu diệt (Kampong Luong nằm ở vùng đất chắn giữa Oudong và Battambang). Thiệu Trị thăng chức cho các tướng nhà Nguyễn ở Trấn Tây: Võ Văn Giải làm Tiền quân Đô Thống kiêm Phủ biên tướng quân quản hạt Trấn Tây (chức của Trương Minh Giảng trước đó), Nguyễn Tri Phương làm Hiệp biện Đại học sĩ kiêm Khâm sai đại thần, Tôn Thất Bạch làm Tổng đốc An Giang, Doãn Uẩn làm Thượng thư Bộ Binh kiêm Tham tán đại thần Trấn Tây.[25] Thiệu Trị sai Nguyễn Lương Nhàn (tuần phủ Hà Tiên) đem 1000 quân cùng nhiều súng thần công lớn, đến huyện Khai Biên phủ Quảng Biên (tức Kampot ngày nay) chiêu an dân chúng và tuyển mộ người Cao Miên dẫn quân tiến đến phủ Hải Tây (nay là tỉnh Pursat), phía Tây Bắc của Ô Đông (Oudong Meanchey) để kép chặt vòng vây.

Bị vây chặt trong thành Oudong, cuối tháng 9, Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) gửi thư sang phía quân Việt xin cầu hòa 2, 3 lần. Vũ Văn Giải, Nguyễn Văn Chương (Tri Phương), Doãn Uẩn tạm đình chiến, giữ nguyên vòng vây không tiến đánh, đồng thời báo cáo về triều đình Huế, và cho quân Xiêm một hẹn ước hòa đàm.

Tháng 10 âm lịch, đến thời hạn hẹn ước hòa đàm, quân Xiêm sai hẹn không đến mà vẫn cố thủ giữ thành Oudong, quân Việt từ ngoại thành liền tiến đánh Oudong. Nguyễn Tri Phương từ mặt sông Tầm Nạp (nay khoảng bờ sông xã Samraong huyện Ponhea Leu, phía hạ lưu sông Tonlé Sap, tức phía Đông Nam Oudong) tiến vào, Doãn Uẩn từ mặt sông Vĩnh Long (Kampong Luong, phía thượng lưu sông Tonlé Sáp, tức mặt Đông Bắc Oudong) tiến đánh Oudong. Theo Ngoại Lãng tướng công niên biểu của Doãn Uẩn: "Sau đó (tức là sau khi đưa thư xin hòa), Chất Tri và Sá Ông Đôn (Ang Duong) trì hồi quá hạn. Ngày 28 tháng 9 (âm, tức 28-10-1845), [quân Việt] lại chia binh tiến công ở Vĩnh Long (Kampong Luong). Binh đạo Khâm sai (tức Nguyễn Văn Chương) đánh đường hữu lộ của chúng. Binh đạo Tham tán (tức Doãn Uẩn) đánh đường tả lộ của chúng.""... Hơn hai tuần (khoảng hơn 20 ngày), quân ta tiến đánh lũy giặc, chỉ hơn 20 trận. Ngày 20 tháng mười (âm tức 19-11-1845), đảng giặc ở trên lũy (thành Ô Đông) xin quan quân ngừng đánh đồn phóng pháo, để Chất Tri phái người đến quân thứ xin hòa. Vài ngày sau đó, [Nguyễn Văn Chương và Doãn Uẩn] mới tiếp tục phát gửi tờ tâu đệ tiền kỳ. Trong bản tâu có châu phê (lời vua): Giặc Xiêm thế cùng lực kiệt, vẫy đuôi xin tha, khẩu thỉnh cầu hòa, chẳng phải là không có kế hoãn binh. Mà xem thế chúng, ta đánh thì tất thắng, giữ thì khó, nên sắp xếp thế nào để được thể? Nội trị được vĩnh ninh, biên cương ngoại yên, nhiếp phục được ngoại di. Giao cho các đại thần mau chóng bàn bạc tâu lên. Khâm thử!""Các đại thần văn võ họp bàn, thấy rằng đương lúc này binh uy vang động. Ta đã chiếm thế thượng phong. Hãy tạm hòa với chúng. Cho quân dân được tạm nghỉ sức, thì cũng chẳng đến nỗi không là thượng sách."

Theo Đại Nam thực lục: Tháng 11 (ngày 1-11 âm lịch là ngày 29-11-1845), mùa đông, năm Thiệu Trị thứ 5, Ất Tỵ (1845), Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn cùng bàn tính, cho rằng Ô Đông tuy là cái cô thành, nhưng địa thế rất hiểm, lũy sách còn nhiều, Chất Tri và tên Giun dựa lẫn nhau, tất không chịu bỏ, thì đánh không biết đến bao giờ xong việc! Mà đánh để lấy thành, không bằng đánh bằng cách thu phục lòng người, xong việc quân cũng là xong việc nước. Chi bằng tạm cho xin hòa, để có thể thư sức dân quân.